Cuối tháng 2/2019, bác sĩ Antonio de Lacy tại Tây Ban Nha đã tiến hành ca phẫu thuật từ xa đầu tiên trên thế giới nhờ mạng 5G. Bằng kết nối có tốc độ nhanh, truyền đi hình ảnh sắc nét với độ trễ chỉ 0,01 giây, từ Trung tâm Hội nghị Barcelona cách đó 5 km bác sỹ Lacy trực tiếp hướng dẫn nhóm phẫu thuật của Bệnh viện Hospital Clinic cắt khối u ở ruột cho bệnh nhân. So với mạng 4G có độ trễ là 0,27 giây thì mạng 5G nhanh hơn rất nhiều và do đó, giúp các bác sỹ tránh được những sai lầm đáng kể.
Thành tựu tại Tây Ban Nha hoàn toàn có thể xảy ra tại Việt Nam khi công nghệ 5G mà Tập đoàn Viettel triển khai đi vào thực tế. Và không chỉ trong y tế, những hạn chế trong mọi lĩnh vực như giáo dục, môi trường, kinh tế… tại các nước đang phát triển như Việt Nam đều sẽ được giải quyết bằng những công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0.
Từ những kết nối đơn sơ, hành trình phát triển của xã hội loài người ngày nay đã tiến đến kết nối thông minh với hạ tầng là mạng Internet không dây thế hệ 4G, 5G; với phương tiện là các thiết bị điện tử ngày càng hiện đại, cùng sự bùng nổ của các nền tảng ứng dụng trong mọi lĩnh vực.
Có thể thấy, ngày nay, con người chủ yếu giao tiếp và chia sẻ thông tin với nhau trên nền tảng của Facebook; tìm kiếm và sử dụng phương tiện đi lại, vận chuyển trên Grab, Uber; mua sắm trên các trang thương mại điện tử như Amazon và thanh toán trên các ứng dụng thanh toán trực tuyến…
Với kết nối thông minh, quá trình vận hành, quản lý, lao động trở nên đơn giản, minh bạch và qua đó, trở nên hiệu quả mà tiết kiệm chi phí. Những vấn đề được coi là "nan giải" của các nước đang phát triển như kinh tế không bền vững; trình độ giáo dục, y tế, khoa học yếu kém; môi trường ô nhiễm, chỉ số phát triển con người thấp… sẽ được giải quyết.
Khi dòng vốn và hàng hóa lưu chuyển dễ dàng và hiệu quả hơn, nó thúc đẩy phát triển kinh tế, cho phép hàng triệu người ở các khu vực xa xôi của các nước đang phát triển nhảy vào nền kinh tế toàn cầu.
Khi thông tin và kiến thức được tiếp cận dễ dàng hơn, nó nâng cao trình độ giáo dục, y tế, khoa học… của hàng triệu lao động ở vùng sâu vùng xa. Khi cách quản lý hành chính của Chính phủ và cơ quan nhà nước minh bạch và giản lược hơn nhờ Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thì tình trạng tham nhũng, lãng phí sẽ được hạn chế. Các thành phố thông minh (SmartCity) sẽ tối ưu hóa việc quản lý công, giảm ách tắc giao thông, điều hòa môi sinh để tạo nên những môi trường sống tốt lành.
Và với mỗi người dân, sự kết nối thông minh 4.0 đem lại cho họ một cuộc sống thuận tiện, dễ dàng và thú vị hơn.
Trong một báo cáo năm 2013 của McKinsey, các nhà nghiên cứu cho rằng sự phát triển của viễn thông và công nghệ sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến các nước đang phát triển. Họ ước tính, sẽ có hơn 3,5 tỷ công dân tại các nước này sẽ sử dụng Internet vào năm 2025. Triển vọng có thêm ba tỷ người tiêu dùng tham gia vào kinh tế số có thể là cơ hội tăng trưởng chưa từng có. Do đó, các doanh nhân ở các nền kinh tế đang phát triển có thể cạnh tranh trong thương mại trực tuyến ở quy mô thế giới. Những "người chơi" toàn cầu sẽ có một kênh mới để tiếp cận các thị trường phát triển nhanh nhất.
Trong khu vực công, nhiều dịch vụ công dân như yêu cầu thông tin, đơn xin giấy phép và thanh toán thuế, có thể trở thành dịch vụ trực tuyến. Dựa trên kinh nghiệm của McKinsey, có thể tăng năng suất lên 60-70% bằng cách chuyển các chức năng như dịch vụ hoàn thuế và gia hạn đăng ký xe sang các kênh trực tuyến.
Cũng tại Tây Ban Nha – nơi đã diễn ra ca phẫu thuật từ xa nhờ mạng 5G, Hội nghị Di động Thế giới 2019 (MWC) được tổ chức từ ngày 25 đến 28/2/2019. Với chủ đề "Kết nối thông minh", Tập đoàn Viettel – đại diện đến từ Việt Nam đã mang đến bốn giải pháp kết nối với 2 sản phẩm tiêu biểu là Trung tâm điều hành thông minh và bãi đỗ xe thông minh.
Ông Phùng Văn Cường – Tổng giám đốc của Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, bãi đỗ xe thông minh và Trung tâm điều hành thông minh là sản phẩm đã được triển khai phổ biến ở New York, London, Paris... trong khi các quốc gia đang và kém phát triển gần như không áp dụng.
Và cũng như đã "bình dân hóa" dịch vụ viễn thông ở Việt Nam và 10 thị trường quốc tế khác, Viettel lại phát huy thế mạnh của mình là áp dụng công nghệ mới để đưa ra giải pháp đơn giản, đi vào thực tế và "phổ thông, đại chúng" những dịch vụ tưởng như xa xỉ.
Hiện tại, Viettel đang triển khai bãi đỗ xe thông minh ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Tập đoàn cũng đưa sản phẩm Trung tâm điều hành thông minh trở thành "bộ não" của thành phố thông minh (SmartCity) ở các nước đang phát triển khác. Nó sẽ tạo ra sự kết nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, giữa người dân với cơ quan quản lý để quá trình vận hành, quản lý thành phố trở nên đơn giản, chuyên nghiệp và minh bạch.
Được biết, Viettel đang xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Còn với người dân, Viettel Pay đã trở thành dịch vụ quen thuộc, cho phép người dùng thanh toán các loại hóa đơn, mua vé online, chuyển tiền và nạp tiền, nhận tiền tại nhà… chỉ với một số thao tác đơn giản trên điện thoại.
Viettel đã cung cấp một dòng sản phẩm sử dụng cho ngư dân và đặc biệt hữu ích đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là Thiết bị nhận dạng tàu tự động AIS, máy thông tin liên lạc HF và Thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền S-Tracking.
Vỡi Thiết bị nhận dạng tàu tự động AIS, lái tàu có thể sớm phát hiện các phương tiện khác ở khoảng cách xa để tránh va chạm, tai nạn trên sông biển. Ngoài ra, thiết bị có chức năng tự động phát tới Đài bờ, đáp ứng nhu cầu giám sát hành trình, tốc độ của tàu thuyền.
Máy thông tin liên lạc HF phục vụ cho hoạt động thông tin liên lạc giữa tàu - tàu và tàu - bờ qua sóng vô tuyến HF. Đồng thời máy có chức năng tự động gửi tọa độ tàu về bờ với tần suất 4 giờ/lần và hỗ trợ cảnh báo vượt hải phận, cảnh báo tàu trôi, cảnh báo SOS.
Thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền S-Tracking là thiết bị giám sát hành trình tàu, truyền/nhận thông tin cảnh báo giữa tàu-bờ, tàu-tàu giúp truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác và đảm bảo an ninh an toàn hàng hải.
"Ngay cả những nơi nghèo, nguồn lực ít cũng có thể dùng công nghệ hiện đại nhất, đây là triết lý xuyên suốt của Viettel" – ông Cường nói.
Có thể thấy, trước đây, Viettel đến với MWC theo định hướng là doanh nghiệp viễn thông di động nên chủ yếu trình diễn công nghệ về di động nhưng những năm gần đây, Viettel đã chuyển mình thành công ty công nghệ, và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu của Việt Nam trong việc đưa công nghệ 4.0 vào đời sống hàng ngày.